Những ngày thơ ấu (1941) là chuyện của chính tuổi
thơ Nguyên Hồng - được viết dưới dạng hồi ký của nhân vật xưng tôi, có tên Hồng.
Một tuổi thơ rất thiếu tình thương. Bố mẹ Hồng lấy nhau mà không yêu nhau. Bố
là quản đề lao, sa vào nghiện hút rồi chết sớm. Mẹ buôn bán chạy chợ, tỉnh này
qua tỉnh khác, quanh năm không mấy khi về nhà. Không yêu chồng, đi theo những mối
tình khác, mẹ trở nên xa lạ với gia đình chồng. Bên một ông bố khắc nghiệt và
luôn xa mẹ, Hồng phải cam chịu cảnh sống nhờ với bà nội và hai người cô rất ít
tình thương cháu…
Thiếu
tình thương của bố mẹ, đứa trẻ thiệt thòi biết bao nhiêu! Trong ghẻ lạnh, hắt hủi
của gia đình, từ rất sớm Hồng đã trả qua cảnh lêu lổng đầu đường xó chợ. Chung
đụng với những lớp người dưới đấy, Hồng học được nhiều mánh khóe để có tiền; và
rồi cậu đã có thể kiếm tiền bằng đánh đáo với kỹ năng loại “siêu”: “Từ ngày thấy
mình có một biệt tài… tôi bắt đầu đi lang thang khắp thành phố với một đồng xu
cái vừa dày vừa rõ chữ, hơn một hào vốn, và với một lòng ham muốn ngùn ngụt được
nhiều tiền để ăn tiêu.”
Kiếm tiền
bằng đánh đáo, chứ không phải chôm chỉa, móc túi, ăn cắp, ăn trộm, vì thiếu sự
chăm nom, giáo dục của gia đình, kể cũng chưa phải là tội lỗi gì lớn lắm. Nhưng
trong lời kể của Hồng đã có dư vị xấu hổ của một sự “sa ngã” và “trụy lạc”…
Đánh đáo
rồi có tiền dắt quần, có lúc cậu suýt bố tước đoạt để mua thuốc phiện. Đó là những
trang thật xót xa và bi thảm cho tình cha con. Còn với mẹ, luôn vắng nhà, xa lạ
giữa gia đình nhà chồng và chịu mang tiếng xấu, cậu lại là người dành trọn tình
thương yêu và luôn luôn lo lắng để bảo vệ. bé bỏng trong vòng tay ôm của mẹ,
lúc nào cũng khao khát sà vào lòng mẹ; nhưng cũng đã có lúc, như một người lớn,
cậu cứng cỏi bênh vực mẹ. khi mẹ rụt rẻ ngỏ ý muốn đưa “em bé” về:
- “Mợ
không sợ ai hết. Mợ cứ đường hoàng đưa em về!”
Những
ngày thơ ấu gồm 9 chương thu gọn một cảnh ngộ; và mỗi cảnh ngộ cũng
như là sự thu nhỏ gương mặt xã hội. Sau mỗi chương là sự tăng cấp những khó
khăn và tàn lụi của gia đình, Và theo sự tàn lụi đó, những hư hỏng và thử thách
đối với cậu bé cũng tăng lên. Kết thúc hồi ký một bất công, một oan khuất không
thể giải tỏa khi Hồng bị thầy giáo dùng nhục hình để phạt vì một sự nghe nhầm.
Cậu bị quỳ ở góc tường mỗi khi đến lớp, đã suốt 5 ngày, và còn phải chịu quỳ tiếp…
60 ngày nữa, theo lời đe của thầy. Kết thúc chương 9 có tên Một bước ngắn, và
cũng là kết thúc Những ngày thơ ấu, đó là cảnh Hồng nằm trên bãi cỏ
sân trường nhìn lên bầu trời, nghĩ đến hình phạt đang chờ đợi mình mà kinh rợn:
“Tôi vùng đứng dậy, mê man, chạy như biến ra đường”.
Những
ngày thơ ấu, đó là hồi ký có mang chất tự truyện được viết trong khoảng lùi
thời gian trên 10 năm. Chân thực, chân thực đến cùng trong tự kể về mình, đó là
giá trị sớm có trong văn Nguyên Hồng, khiến cho Thạch Lam, trong lời tựa sách
in năm 1941 đã có thể viết: “Đây là sự rung động cực điểm của một linh hồn trẻ
dại”.
Đọc Những
ngày thơ ấu thấy không phải ai trong đời cũng có một tuổi thơ như
Nguyên Hồng. Có thể nói, đây là một tuổi thơ… không phổ biến. Nói theo Lép
Tônxtôi, ở mọi gia đình, hạnh phúc thường giống nhau còn bất hạnh lại rất khác
nhau. Thế nhưng ai cũng muốn biết đến một tuổi thơ như thế, không chỉ để cảm
thông, để chia sẻ, mà còn là để hiểu những căn nguyên, những bối cảnh nào đã
đưa con người vào những tình huống sống bi đát và bế tắc như thế?
Cuối
cùng, điều có ý nghĩa quan trọng hơn, thậm chí là bao trùm, và có gì gợi một nghịch
lý - đặt ra từ Những ngày thơ ấu, đó là chính người có một tuổi thơ
cau đắng như thế lại sẽ là người thuộc trong số ít cây bút tràn đầy một tình
thương tha thiết đối với mọi lớp người dưới đáy xã hội. Có phải do đã trải thấm
mọi xót xa, cay cực của tuổi thơ mà Nguyên Hồng bỗng trở nên người nhân hậu nhất,
“hay khóc” nhất trong số các nhà văn Việt Nam viết về “những người khốn khổ”?
Đọc sách online tại: Những ngày thơ ấu