Đọc sách là một việc rất dễ, nhưng để đọc sao cho hiệu quả thì chẳng đơn giản một chút nào. Nếu ta chỉ cầm 1 cuốn sách lên đọc mà không hề biết mình đang đọc cuốn sách nào, sẽ đọc như thế nào, đọc ở đâu... thì đọc sách hiển nhiên trở thành mọt việc vô nghĩa. Đọc sách vốn dĩ là một "nghệ thuật" và để trở thành một nghệ nhân, ít nhất ta cũng nên biết mình sẽ thực hiện "nghệ thuật" ấy như thế nào. Để đọc sách hiệu quả thì tôi khuyên các bạn nên làm theo những bước sau:
Sơ đồ tư duy minh họa cho việc đọc sách hiệu quả |
1. Thành lập thói quen và thái độ:
Đây là một việc không thể thiếu khi đọc sách, đó là chính bạn phải tự muốn đọc, không cần ai ép buộc. Khi bạn tự giác và xem việc đọc sách là một phần không thể thiếu thì dần dần nó sẽ trở thành thói quen hằng ngày của bạn. Và một điều quan trọng không kém đó là khi đọc sách, bạn phải tự chuẩn bị cho mình đầu óc vui tươi, thoải mái, chọn nơi đọc sách hợp lí, nghĩa là phải tránh xa máy tính, internet, đám đông để dễ tập trung đọc và kiên nhẫn đọc. Đọc không được lần này thì tiếp tục đọc, đọc cho đến khi hiểu, đừng vội từ bỏ.
2. Vạch ra danh sách sách sẽ đọc:
Việc đầu tiên trước khi bạn bắt đầu đọc, bạn cần phải biết bạn sẽ đọc cuốn sách nào. Đó là bước đệm đầu tiên giúp bạn có chút hứng thú trong việc đọc sách. Để làm được điều này, hãy chịu khó tìm hiểu về một số cuốn sách mà bạn cho là hay và viết ra danh sách. Sau đó thì hãy tiếp tục xem bạn hứng thú với cuốn nào nhất và đọc nó đầu tiên. Như vậy, việc đọc sách sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
3. Lựa chọn sách:
Sau khi đã biết được mình muốn và sẽ đọc cuốn sách nào, bạn phải lựa chọn sách phù hợp với hoàn cảnh, tính cách, lứa tuổi, điều kiện kinh tế và cả nơi sản xuất, xuất xứ, nội dung,... Bởi bạn đâu biết rằng nó sẽ mang lại cho bạn những kiến thức gì? Việc lựa chọn sách không khó nhưng cũng rất quan trọng, nó sẽ là nấc thang quyết định tri thức của bạn sẽ sáng lên hay tiếp tục lùi lại phía sau.
4. Lên kế hoạch đọc sách:
Nếu bạn chỉ đọc sách một cách nhanh chóng, lẹ làng vì bạn sợ thời gian sẽ bị "hao hụt" mà không xem kĩ càng nội dung thì thật đáng tiếc biết bao. Nếu bạn đọc sách nhiều hơn việc học hay làm một điều gì đó quan trọng, bỏ bê việc học hành thì chắc hẳn, việc đọc sách sẽ trở nên "xấu" trong mắt người khác. Bởi, có lẽ, trong mắt họ, việc đọc sách của bạn lại trở thành "gánh nặng" của người khác và cũng có thể, vì như thế mà việc học của bạn giảm sút. Như vậy thì chẳng hay chút nào! Để không vấp phải những việc tương tự, bạn hãy lên kế hoạch đọc sách cho thật hợp lí, tránh giờ học, cân bằng mọi việc,...
5. Tìm cách đọc lí thú:
Mỗi cuốn sách có mỗi nội dung, cách hành văn, ý nghĩa,... khác nhau. Chúng mang mỗi thông điệp riêng của mình và đâu phải cuốn sách nào cũng hoàn toàn là thú vị. Có những cuốn tuy rất ý nghĩa nhưng lại khá nhàm chán và cũng có những cuốn viết rất khó hiểu. Nếu bạn không thích sự nhàm chán hay ngán ngẩm lối hành văn đó thì sao nhỉ? Có lẽ ngay tại lúc này, bạn nên thay đổi cách đọc của mình để phù hợp với nội dung câu chuyện. Khi bạn thay đổi, bạn sẽ dễ dàng nhận ra rằng sắc thái và lối hành văn của câu chuyện sẽ thay đổi theo. Còn nữa, bạn hãy thử hô biến những cuốn sách nhàm chán thành một thứ gì đó hay ho hơn xem, tôi tin rằng bạn sẽ thích đọc nó lắm đấy!
6. Viết những ý chính:
Sau khi đọc xong mỗi chương, bạn hãy dành ra một ít thời gian để tổng kết lại chương đó. Kẹp một mảnh giấy ghi chú nhỏ cuối mỗi chương, viết lại tóm tắt tổng kết, ý chính hoặc viết nhanh vào sổ tay ghi chú với những hình vẽ ngộ nghĩnh minh họa. Điều này giúp bạn dễ dàng nhớ nội dung của từng chương, từng câu chuyện, dễ dàng ôn lại và không mất nhiều thời gian để đọc lại một lần nữa toàn bộ cuốn sách
7. Lọc từ khóa và vẽ sơ đồ tư duy:
Sau mỗi chương, hãy chọn ra một số từ khóa nhất định và lưu lại từ khóa đó trong cuốn sổ tay riêng kèm với cảm xúc, ý riêng phát sinh... Vẽ sơ đồ tư duy con cho từng chương, từng câu chuyện theo ý thích của bạn sau đó tổng hợp thành sơ đồ tư duy chính, viết lại những gì mình đã thu được và cùng chiêm ngưỡng thành quả. Điều này cũng giúp bạn nắm được nội dung một cách khoa học nhất.
8. Trao đổi với bạn bè:
Sau khi đọc xong sách hoặc khi đọc sách, bạn nên chia sẻ và trao đổi với bạn bè để nhận được nhiều lời khuyên bổ ích và cải thiện sự nhàm chán mà đôi lúc bạn gặp khi đọc sách. Bạn cũng sẽ có thêm hứng thú để đọc và nhớ lâu.
Trên đây là 7 bước để đọc sách một cách hiệu quả, nó sẽ giúp bạn tiếp thu được nhiều tri thức bổ ích một cách khoa học nhất. Bạn sẽ mất ít thời gian hơn nhưng lại lĩnh hội được rất nhiều tinh hoa của trí tuệ. Thật tuyệt phải không nào? Vậy thì ngại ngần gì mà không thử áp dụng vào chính cách đọc của mình?