Lợn cưới, áo mới
là một trong những truyện cười đặc sắc của kho tàng truyện cười dân gian Việt
Nam. Truyện chế giễu những người có tính hay khoe của. Tính xấu ấy biến
người khoe của thành trò cười cho thiên hạ.
Truyện ngắn gọn như một màn hài kịch nhỏ, kể lại cuộc tranh
tài thú vị, bất ngờ giữa hai anh có tính hay khoe, mà của đem khoe chẳng đáng
là bao. Một anh khoe con lợn cưới bị sổng chuồng và một anh khoe chiếc áo mới
may.
Anh đi tìm lợn khoe của trong một hoàn cảnh thật đặc biệt.
Đó là lúc nhà anh ta có việc lớn (đám cưới), lợn để làm cỗ cưới lại bị sổng mất,
nghĩa là trong lúc việc nhà đang bận bịu và bối rối, một tình huống tưởng như
người trong cuộc không còn tâm trí nào để khoe khoang.
Khi đi tìm lợn, lẽ ra anh ta chỉ cần hỏi: Bác có thấy con lợn
của tôi chạy qua đây không ? Hoặc nói rõ con lợn ấy là lợn gì, to hay nhỏ, trắng
hay đen, thi anh ta lại hỏi: Bác có thấy con lợn CƯỚI của tôi chạy qua đây
không ? Câu hỏi thừa từ cưới, vì từ cưới không phải là từ thích hợp để chỉ đặc
điểm của con lợn bị sổng và cũng không phải là thông tin cần thiết đối với người
được hỏi. Người được hỏi không cần biết con lợn ấy được dùng vào việc gì (đám
cưới hay đám tang). Thế nhưng nó lại rất quan trọng đối với anh đi tìm lợn vì
nó là cái cớ để anh ta khoe con lợn của mình. Thành ra câu hỏi của anh ta vừa
có mục đích tìm lợn, vừa có mục đích khoe của, nhưng để khoe của là chính.
Anh có áo mới cũng thích khoe đến mức may được cái áo, không
đợi ngày lễ, ngày Tết hay đi chơi mới mặc mà đem ra mặc ngay. Tính thích khoe của
đã biến anh ta thành trẻ con. (Già được bát canh, trẻ được manh ảo mới). Nhưng
trẻ con thích khoe áo mới thì đó là lẽ thường tình bởi chúng ngây thơ, trong
sáng; còn nhân vật trong truyện cười này mặc áo mới với mục đích là để khoe của.
Đọc truyện chúng ta bật cười vì nhiều lẽ:
Trước hết là về hành động, lời nói của nhân vật. Của chẳng
đáng là bao, chỉ là chiếc áo, con lợn mà vẫn thích khoe. (Đây cũng chính là đặc
điểm của loại người này). Sau đó là lời khoe và cách khoe đều quá đáng và phi
lí.
Ta hiểu rằng:
Khi khoe của đã trở thành một thói quen, một nhu cầu cần thiết
đến mức không khoe không chịu được thì nó sẽ là thói xấu và thói xấu ấy làm cho
những người xung quanh khó chịu. Câu chuyện dí dỏm Lợn cưới, áo mói là một bài
học bổ ích cho tất cả chúng ta.